Mô hình trồng dưa lưới công nghệ Israel lần đầu tiên được áp dụng ở huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng), mang lại sản phẩm sạch cho thị trường và người nông dân có cơ hội tăng thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Trần Quốc Thắng, cho biết, qua khảo sát mô hình dưa lưới được trồng tại Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao của TPHCM, nhận thấy giống dưa này phù hợp với địa phương.
Sau đó, huyện đã liên hệ trực tiếp với nơi trồng dưa lưới đề nghị hỗ trợ chuyển giao công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật đưa dưa lưới về trồng tại huyện Châu Thành.
Chăm sóc dưa lưới ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, mô hình trồng dưa lưới ở huyện Châu Thành được thử nghiệm năm 2016, áp dụng công nghệ Israel trong sản xuất. Lúc trồng thử nghiệm, đơn vị chỉ trồng trên diện tích 1.000m2, đầu tư khoảng 365 triệu đồng cho nhà màng và hệ thống tưới, đưa khoảng trên 2.000 cây dưa lưới vào trồng.
Khung nhà màng được dựng bằng sắt thép, giàn khung có thể chịu lực hàng chục tấn. Nhà màng bao quanh bởi cước tấm mỏng, phía trên được che bằng nilon loại đặc biệt. Phía trong có hệ thống cáp treo dây, hệ thống điều khiển tự động lưới cắt nắng, công nghệ tưới nhỏ giọt kiểu Israel, hệ thống điều hòa không khí. Việc bón phân kết hợp với tưới nước nhỏ giọt được dẫn đến tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu và hoàn toàn tự động.
Việc áp dụng trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giúp giảm chi phí sản xuất (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại).
Nhà màng trồng dưa áp dụng công nghệ Israel.
Ông Nguyễn Văn Hận- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, cho biết, để trái dưa lưới phát triển đồng đều, chú ý cắt tỉa dây leo cho phù hợp, phải thường xuyên theo dõi lượng nước cung cấp hàng ngày cho cây vừa đủ theo từng thời điểm phát triển.
Đặc biệt phải chú ý đến việc thụ phấn trong giai đoạn ra hoa kết trái vì dưa được trồng trong nhà màng không có các loài ong bướm thụ phấn, nên cần phải linh hoạt bằng cách thả một số ong vào làm nhiệm vụ thụ phấn và thường xuyên theo dõi từng cây dưa xem chúng đã thụ phấn đồng đều hay chưa, để kịp thời can thiệp đảm bảo mỗi dây dưa đều có một trái.
Dưa không trồng trực tiếp xuống đất mà được trồng trong chậu với thành phần chính là mạt cưa trộn xơ dừa và thêm một ít phân chuồng, phân vô cơ nhằm tạo độ dinh dưỡng nuôi cây. Thời gian thu hoạch dưa chỉ khoảng 70 ngày, với trọng lượng trái bình quân từ 1,2kg – 1,5kg.
Được biết, trong vụ đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên năng suất dưa chưa đạt theo yêu cầu, trọng lượng trái chỉ đạt khoảng 1,2kg, năng suất đạt 2,5 tấn, giá bán 40.000 – 50.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về hơn 50%.
Dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao.