Triệu chứng gây hại của bệnh thối búp chè
Vết bệnh đầu tiên là một chấm nhỏ màu nâu đen trên phần non mềm của lá và búp chè. Các vết bệnh phát triển lớn dần lên gây thối đen lá non và búp. Bệnh chỉ phát triển gây hại đến hết phần xanh trên cành búp và ngừng lại ở phần cành búp đã nâu hoá.
Nguyên nhân gây bệnh, đặc điểm phát sinh, phát triển:
-
Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh thối búp gây ra do nấm Colletotrichum theae Petch
-
Đặc điểm phát sinh, phát triển:
Bệnh phát sinh và phát triển trong điều kiện nóng, ẩm độ cao từ tháng 5 đến tháng11, nhưng nặng nhất vào khoảng tháng 7, 8, 9 ở các tỉnh phía Bắc. Bệnh thường gây hại từng khu vực hoặc từng nương chè, làm giảm năng suất và chất lượng búp chè.
Bệnh thường phát sinh phát triển gây hại nhiều trên các nương chè bón nhiều đạm, bón phân khoáng không cân đối.
Giống chè PH1 dễ bị nhiễm bệnh và bệnh gây hại nặng hơn các giống chè khác.
Phương pháp điều tra bệnh thối búp chè
Điều tra theo phương pháp 5 điểm chéo góc. Mỗi điểm ngắt 10-20 lá, hay búp quan sát bệnh, tính tỷ lệ búp bị bệnh, tỷ lệ lá bệnh (%).
Biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh thối búp chè
+ Trong quá trình thâm canh chăm sóc cây chè tránh bón quá nhiều phân đạm, thực hiện bón phân cân đối và nhất là bón phân hữu cơ và phân ủ.
+ Vào các tháng nóng ẩm nhất là các tháng 7, 8, 9 phải thường xuyên kiểm tra nương chè khi phát hiện có bệnh xuất hiện trên nương chè, thực hiện ngắt đốt các chồi bị nhiễm bệnh.
+ Nếu bệnh phát triển nhiều mà cần thiết phải phun thuốc phòng từ thì nên dùng các loại thuốc có gốc đồng hoặc các thuốc suncolex, extra, maxcow, happy goid,..
+ Đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh và phân bón cho chè.